“Bật mí” 5 nguyên tắc phải ghi nhớ khi làm Điều dưỡng viên tại Nhật

922

Những năm gần đây nhu cầu nhập khẩu nhân lực Điều dưỡng viên tại Nhật không ngừng tăng cao. Đây cũng chính là cơ hội lớn dành cho những người đang theo học Đại học, Cao đẳng ngành Điều dưỡng tại các ngôi trường chất lượng tại Việt Nam.

Cập nhật mới nhất từ Trường Cao Đẳng Dược TPHCM cho biết sắp tới đầu năm 2019, Nhật Bản sẽ mở cửa nhập khẩu hơn 10.000 lao động Điều dưỡng viên Việt Nam.

Tuy nhiên, nổi tiếng là một quốc gia “khó tính và nguyên tắc”. Bạn cần hiểu rõ 5 nguyên tắc phải ghi nhớ khi làm Điều dưỡng viên tại Nhật và kinh nghiệm xương máu sau đây trước khi qua đất nước mặt trời mọc làm việc nhé!

  1. Luôn đúng giờ

Người Nhật rất coi trọng giờ giấc. Đối với họ việc đi làm muộn là điều không thể chấp nhận được. Đặc biệt trong các cuộc hẹn người Nhật thường chủ động đi sớm từ 10-15 phút. Điều này hoàn toàn ngược lại với Việt chúng ta luôn có thói quen giờ “dây thun”. Hẹn 7h thì 7h15 có khi 7h30 mới có mặt.

Qua Nhật bắt buộc bạn phải thay đổi ngay thói quen này. Cố gắng học theo người Nhật chủ động đi sớm hơn giờ hẹn. Nếu có công việc đột xuất thì phải báo delay từ ngày hôm trước và kèm theo giờ chính xác mà bạn sẽ đến. Người Nhật coi trọng lòng tin, vì vậy việc thất hẹn là điều vô cùng kinh khủng, “một lần mất tin, vạn lần mất tín”.

  1. Trung thực

Nếu đã có dịp đến Nhật chắc hẳn bạn sẽ chưa một lần nhìn thấy các “Ministop không người bán” xuất hiện đầy trên các con phố. Ở đây các món thực phẩm đã dán sẵn giá, người mua hàng sẽ tự động lấy hàng và tự trả theo đúng giá trị sản phẩm mình mua. Sự trung thực dường như đã ăn sâu trong tiềm thức người dân Nhật và khái niệm “ăn cắp” chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của họ.

Bên cạnh đó, lòng tự trọng của người Nhật cũng cực kỳ cao, vì vậy việc trở thành một kẻ “tội đồ ăn cắp” đồng nghĩa với việc sẽ bị người đời tẩy chay và không có cơ hội làm lại cuộc đời.

Ở môi trường công sở, sự trung thực sẽ giúp bạn ghi điểm cao trong mắt các sếp Nhật. Nhờ đó, bạn sẽ được giao cho những công việc quan trọng đồng nghĩa là mức lương cũng được tăng cao hơn.

Một câu nói mà Sếp Nhật thường nhắc nhở nhân viên của mình đó là: “ Các bạn có thể làm sai tôi không trách ; đôi lúc các bạn đến trễ tôi bỏ qua ; công việc các bạn làm bị chậm tiến độ tôi không đổ lỗi cho ai cả ; nhưng nếu các bạn không trung thực tôi sẽ nổi giận”.

  1. Tôn trọng khách hàng và đối tác

Việc tôn trọng khách hàng đến từ những việc đơn giản nhất trong cách ăn mặc, trang phục, phong thái của mỗi người. Ở Nhật họ tối kỵ sự loè loẹt, rườm rà. Đặc biệt dù bạn có thích người đối diện đến mấy cũng không được phép cười quá to, nhất là các bạn nữ, hành động này đối với người Nhật bị xem là vô duyên.

Văn hoá lịch sự ở Nhật tồn tại khắp mọi nơi, ngay cả khi đi xe bus chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mọi người ngồi gọn vào vị trí của mình, yên lặng và hạn chế nói chuyện với nhau. Hoặc nếu bất kỳ ai muốn nghe nhạc họ sẽ đeo tai nghe để không ảnh hưởng đến người xung quanh mình.

Còn nhớ câu chuyện của một bạn Điều dưỡng viên người Việt tại Nhật chia sẻ: “Ngày đầu tiên đi làm cho sếp Nhật có một điều khiến tôi ấn tượng mãi. Hôm đó, tôi và Sếp phải tiễn một đoàn khách ra taxi. Ngay khi họ lên xe tôi định quay đi nhưng thấy Sếp vẫn đứng cúi chào rất lâu cho tới khi xe taxi đi khuất hẳn mới chịu vào. Sau lần ấy tôi học được bài học trân quý về sự tôn trọng của người Nhật, dù đối phương là ai, trẻ nhỏ hay người lớn, dù người đó có biết bạn đang tiễn họ hay không thì cũng phải cúi chào đến khi họ đi khuất hẳn mới nên quay vào”.

  1. Đức tính Tiết kiệm

Người Nhật rất quý tiền bạc, thời gian và công sức. Trong công việc các Sếp Nhật thường mong muốn mọi thứ được diễn ra nhanh nhất và hiệu quả nhất. Họ cũng muốn các nhân viên của mình học được đức tính quý báu này.

Ngoài ra, khi mua sắm người Nhật thường cân nhắc rất kỹ, cái nào cần thiết họ mới mua, cái nào không thực sự cần thì thôi.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là họ ít khi mua sắm đâu nhé! Ngược lại hoàn toàn, họ có thói quen mua rất nhiều đồ vì nghĩ rằng nếu không sắm sửa thì nhu cầu xã hội sẽ giảm, từ đó nền sản xuất đình trệ và quốc gia không phát triển được.

Đặc biệt khi đi ăn, người Nhật chỉ gọi vừa đủ ăn, nếu có dư họ sẽ yêu cầu gói mang về và tuyệt đối không để thừa thức ăn. Đối với họ việc làm ấy là lãng phí tài nguyên quốc gia cực kỳ đáng bị lên án.

  1. Nỗ lực phấn đấu

Trong bất kỳ môi trường nào của Nhật cũng coi trọng sự nỗ lực phấn đấu. Có thể mức lương khởi điểm ở một số Công ty Nhật thấp hơn mặt bằng chung, nhưng nếu bạn biết vươn lên thì họ sẽ không hề để bạn thiệt thòi đâu.

Các Sếp Nhật cũng tin vào hành động hơn là lời hứa. Dù bạn có đặt nhiều mục tiêu đi kèm với những lời hứa hẹn hấp dẫn nhưng không tạo ra kết quả thì vẫn không hề được tín nhiệm đâu nhé!