Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán

1924

Hơi thở của mùa Xuân đã len lỏi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, gợi nhắc mỗi người dân Việt nhớ về ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc.

Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán

Lịch sử ngày tết nguyên đán của người việt

Cách tính thời gian của người Việt dựa vào chu kỳ của Mặt Trăng, do vậy mà thường diễn sau Tết Tây. Những cư dân của văn hóa nông nghiệp đã phân chia thời gian của 1 năm làm 24 tiết, trong đó tiết khởi đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng được xem là quan trọng nhất gọi là Tiết Nguyên Đán, sau đó đổi thành Tết Nguyên Đán.

Tết của người Việt có ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Theo lịch sử , Tết có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo thời gian lịch sử. Đời Tam Vương, nhà Hạ chọn thàng Giêng (gọi là tháng Dần) là thời điểm diễn ra Tết, nhà Thương lại chọn tháng Chạp (tháng Sửu), nhà Chu chọn tháng 11 (tức tháng Tý) làm tháng Tết. Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đã đổi ngày Tết vào tháng Dần, trải qua nhiều triều đại, mặc dù có sự thày đổi nhưng vẫn ấn định tháng Tết vào thời gian này. Đến đời Đông Phương Sóc, người ta thấy rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba lại có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, thời gian ngày Tết thường được kéo dài từ ngày Mồng một cho đến hết ngày mồng Bảy.

Tết Nguyên Đán còn được gọi bằng những cái tên như Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ Truyền. Nếu chiết tự theo tiếng Hán, có thể hiểu, Nguyên là sự khởi đầu, sơ khai còn Đán là buổi sáng sớm, Nguyên Đán chính là buổi sáng đầu tiên, mang đến những điều cũng là điều khởi đầu cho mọi sự: không khí đầu tiên, ánh nắng đầu tiên, mầm non đầu tiên,… Bởi vậy, khoảng thời gian của Tết cũng là lúc người ta gửi gắm những ước mơ với hi vọng một năm hạnh phúc ngập tràn và thành công vang dội.

Ý nghĩa của ngày tết nguyên đán của người Việt Nam

Tết mang ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng, là khoảng thời gian tiễn năm cũ đi, đón năm mới tới, người Việt tin rằng vào năm mới thì mọi thứ cũng cần phải đồi khác, từ cảnh vật cho đến lòng người. Do đó, trước này Tết, từ đường làng đến những ngõ phố, khắp nơi đều trang hoàng cho ngôi nhà của mình, đồng thời sắm sửa quần áo mới để diện vào những ngày Tết. Không chỉ vậy, những cửa hàng ngày Tết, những khu chợ Tết cũng trở nên tấp nập nhộn nhịp, người mua kẻ bán qua lại đông đúc. Chợ Tết là một phong tục đẹp của dân tộc Việt, người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm cho những ngày đầu năm mà còn là một cách mà người Việt thể hiện lối sống cộng đồng gần gũi, thân tình.

Tết là dịp muôn nhà, muôn người đoàn tụ, sum vầy. Vì vậy, dù đi xa ai ai cũng mong muốn được trở về nhà để gặp gỡ gia đình. “Về quê ăn Tết” không những là một hành động thông thường như việc đi về mà còn là cuộc hành hương thiêng liêng trở về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Những ngày đầu năm mới, mọi người trao tay những chiếc bao lì màu đỏ thay cho lời chúc sức khỏe, trẻ con thêm phần ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, người lớn tuổi thì thêm phần sống khỏe mạnh, hạnh phúc với con cháu.

Tết cũng là dịp để thế hệ con cháu bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên đã mở đường dẫn lối cho cuộc sống hôm nay, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sâu sắc đã được đúc kết từ ngàn đời. Người Việt đã giữ gìn thói quen tốt đẹp: “Mồng 1 tết Cha, mồng 2 Tết Mẹ, mồng 3 tết Thầy”.

Đó chính là những giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt từ bao đời nay vẫn luôn giữ gìn và phát huy. Cho nên, những ngày Tết, mọi vật và con người đều mang không khí vui vẻ, thân mật, phấn khởi và hạnh phúc.