Chảy máu dạ dày – Căn bệnh nguy hiểm không loại trừ một ai

972

Mới đây thông tin diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc bị xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Hoá ra căn bệnh nguy hiểm này lại xảy đến chỉ vì thói quen ăn uống không khoa học gây nên.

Đáng nói hơn, không chỉ riêng cô diễn viên này mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh này nếu ăn uống thiếu hợp lý, giảm cân không đúng cách.

Xuất huyết dạ dày là gì?

Bác sĩ Dương Trường Giang- Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày) là dạng xuất huyết gây chảy máu ở niêm mạc dạ dày dẫn tới ói ra máu, đi cầu ra máu.

Đây là dấu hiệu của biến chứng dạ dày, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Triệu chứng phổ biến của bệnh xuất huyết dạ dày

Các triệu chứng phổ biến của bệnh xuất huyết dạ dày bao gồm:

– Đau dữ dội vùng thượng vị: Cơn đau thường lan khắp vùng bụng dẫn tới cứng bụng, kèm theo toát mồ hôi lạnh, da xanh tái, nôn ra máu và đi ngoài phân màu đen.

– Nôn ra máu: Đây là triệu chứng điển hình của xuất huyết dạ dày. Người bệnh thường nôn ra máu tươi hoặc máu đen, đôi khi lẫn cả thức ăn do máu tụ lại ở dạ dày một lúc sau đó mới trào ra.

– Sắc tố da thay đổi: Hiện tượng này do dạ dày không được chuyển hoá chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Dẫn tới cơ thể bệnh nhân luôn trong tình trạng mệt mỏi, da nhợt nhạt, tái sắc.

– Thiếu máu: Cơ thể đổ mồ hôi đột ngột, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp.

Trên đây là các dấu hiệu điển hình của căn bệnh xuất huyết dạ dày. Nếu phát hiện một trong các dấu hiệu kể trên bệnh nhân nên đến ngay cơ sở Y tế để khám và có biện pháp chữa trị kịp thời.

Bên cạnh những dấu hiệu kể trên, khi xuất huyết rơi vào giai đoạn nặng còn kèm theo thở dốc, co giật, thiếu oxy não, huyết áp thấp, sốc nhẹ thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dạ dày

Xã hội phát triển, thói quen sinh hoạt cùng chế độ ăn uống thất thường chính là nguyên nhân dẫn tới xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên, căn bệnh này còn do các nguyên nhân sau:

Loét dạ dày, tá tràng: Chiếm 40% nguyên nhân dẫn tới xuất huyết dạ dày, gặp ở bệnh nhân có tiền sử đau vùng thượng vị hoặc viêm loét dạ dày, tá tràng. Ở trường hợp này bệnh nhân thường kèm theo ói ra máu  và đi ngoài có phân đen.

Ăn uống không khoa học, giảm cân: Đây là nguyên nhân phổ biến mà nhiều người đang mắc phải. Lo sợ thừa cân, cố ép bản thân ăn uống ít lại khiến dạ dày viêm loét nghiêm trọng cho đến khi chảy máu dạ dày cảnh báo tình trạng vô cùng nguy hiểm.

Chảy máy dạ dày do ảnh hưởng của thuốc kháng sinh: các loại thuốc chống viêm, giảm đau, chống đông máu là một trong các nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng.

Ngoài ra, xuất huyết dạ dày còn có thể do hội chứng Mallory Weiss hay còn gọi là hội chứng ói quá nhiều mà không tìm ra nguyên nhân, hoặc chảy máu dạ dày do vi khuẩn Hp, uống nhiều bia rượu, tinh thần căng thẳng, stress lâu dài,..

Điều trị xuất huyết dạ dày

Nhiều người thường chủ quan với xuất huyết dạ dày mà không hề biết rằng đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu để chảy máu quá nhiều. Do vậy,

  • Khi có dấu hiệu bị xuất huyết dạ dày, người bệnh cần đến ngay cơ sở Y tế để chữa trị kịp thời, tránh chữa trị tại nhà hoặc các phòng khám tư sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.
  • Trường hợp chảy máu dạ dày do loét dạ dày sẽ được điều trị theo phác đồ của bệnh viện
  • Còn trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ nội soi và theo dõi trong vòng từ 24-48 giờ, sau đó uống thuốc theo đơn và được phép xuất viện.
  • Với chảy máu do loét có nhiễm vi trùng Hp thì sau khi điều trị ngưng chảy máu, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 10-14 ngày. Sau đó, điều trị bằng thuốc lành vết loét trong 6-8 tuần.
  • Còn nếu bị loét không phải do vi trùng hoặc nguyên nhân khác thì chỉ phải điều trị trong vòng 6-8 tuần.
  • Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh cần đi khám và nội soi dạ dày để biết bệnh đã khỏi hoàn toàn hay chưa.

Phòng ngừa xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là căn bệnh nguy hiểm nhưng có mức độ  phổ biến rất cao. Do vậy, chúng ta cần xây dựng lối sống khoa học lành mạnh bằng các thói quen dưới đây:

  • Ăn uống khoa học, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi để không nhiễm vi trùng Hp vì vi trùng này lây qua đường tiêu hoá, ăn sống. Trường hợp trong gia đình có người bị nhiễm vi trùng Hp thì cần được điều trị kịp thời, tránh lây lan cho các thành viên khác.
  • Không tự ý mua thuốc chống viêm, giảm đau mà không có chỉ định của bác sĩ
  • Có chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khoẻ
  • Hạn chế rượu bia, các chất kích thích
  • Duy trì tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực
  • Khám bệnh định kỳ, làm xét nghiệm, nội soi khi thấy khó chịu, đau trên rốn, ợ chua.