Bùng phát Dịch tay chân miệng Cha mẹ lưu ý ngay 5 biện pháp phòng tránh sau

1001

Gần đây báo đài liên tục đưa tin các dịch tay chân miệng diễn biến ngày một phức tạp trên diện rộng. Ghi nhận đến thời điểm hiện nay đã có tới 6 bé tử vong vì dịch bệnh này.

Để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, hơn ai hết cha mẹ cần lưu ý ngay 5 biện pháp phòng tránh sau cho con trẻ của mình.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay-chân-miệng thuộc nhóm do virut đường ruột gây ra. Trước đây bệnh do tác nhân Coxsackie virus gây ra nên khá lành tính, thường tự khỏi sau nhiều ngày. Tuy nhiên thời gian gần đây tác nhân gây bệnh lại là Enterovirus 71 dẫn tới diễn biến phức tạp, biến chứng nặng có thể gây tử vong.

Biểu hiện chính của bệnh thường xuất hiện dưới dạng bóng nước màu hồng phát triển thành dịch vào tháng 4-6 và tháng 9-12. Khi đã thành dịch thì bệnh lây lan rất nhanh từ trẻ này qua trẻ khác ở độ tuổi dưới 3 tuổi và nhiều nhất là 10-24 tháng.

Bệnh Tay-chân-miệng do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, mà chỉ có thể điều trị những biểu hiện do chúng gây ra.

Bệnh tay chân miệng lây truyền như thế nào?      

Bác sĩ Võ Văn Thái- Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: “Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường miệng khi trẻ tiếp xúc với dịch tiết bóng nước, chất tiết của đường tiêu hoá hoặc khi trẻ khác ho, hắt hơi..

Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị lây gián tiếp qua đồ chơi, thức ăn, nước uống hoặc từ người chăm sóc trẻ..”

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng?

Khởi phát của bệnh tay chân miệng đó là trẻ sẽ bị sốt, có thể kèm ói và tiêu chảy.

Ở giai đoạn toàn phát, trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Bóng nước màu hồng nhạt ở miệng hoặc lưỡi, sau đó vỡ ra khiến trẻ ăn uống kém
  • Bóng nước và các vết hồng ban xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông gối có thể lồi ra hoặc ẩn, thường không đau
  • Tiếp sau giai đoạn này nếu không có biến chứng thì trẻ sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh trong vòng 7 ngày, tính từ lúc khởi phát bệnh.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay-chân-miệng?

Bệnh tay chân miệng nếu không được phát hiện sớm rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể:

Về thần kinh:

  • Thay đổi tri giác: vật vã, bứt rứt, chới với, hốt hoảng, li bì, ngủ gà, co giật, hôn mê
  • Run chi, giật mình, rung giật khi ngủ, loạng choạng, rung giật nhãn cầu.      
  • Yếu chi, liệt mặt…

Về hô hấp:

  • Trẻ khó thở, thở mệt, thở nhanh

Về tim mạch:

  • Mạch đập nhanh hoặc chậm
  • Huyết áp tăng sau đó lại tụt

Bệnh thường được phân thành 4 loại theo mức độ nặng nhẹ khác nhau như sau:

  • Độ 1: Loét miệng và hoặc sang thương da.
  • Độ 2: Bắt đầu có biến chứng thần kinh.
  • Độ 3: Biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch.
  • Độ 4: Biến chứng rất nặng khó hồi phục.

Ở mức độ 1 chúng ta có thể để trẻ ở nhà tự điều trị. Tuy nhiên từ độ 2 trở đi cần nhập viện ngay để được điều trị.

Lưu ý biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng

Trước diễn biến ngày một phức tạp của bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý biện pháp phòng tránh dưới đây cho con trẻ:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày

Cả người lớn và trẻ em đều phải tuân thủ thực hiện việc vệ sinh này thường xuyên, nhất là trước và sau khi bế trẻ, làm vệ sinh, chế biến thức ăn.

  • Ăn chín, uống sôi, mọi vật dụng đều phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo nguồn nước sạch, không mớm hoặc để trẻ tự bốc ăn, mút tay, ngậm mút đồ chơi, các vật dụng bất kỳ.
  • Lau chùi sạch sẽ các bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm, cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng..
  • Cách ly trẻ với người bệnh, có thể cho trẻ nghỉ học tạm thời nếu ở lớp có trẻ nghi bị mắc bệnh.
  • Sử dụng WC hợp vệ sinh trong đó phân và chất thải phải được xử lý sạch sẽ không vương vãi trên sàn nhà.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thì phải đưa đi khám hoặc thông báo với cơ quan Y tế gần nhất.