Đằng sau cống hiến lặng thầm của những thầy cô cắm bản

2285

Có lên những vùng cao, vùng hải đảo, vùng miền núi hẻo lánh thì mới thấy được đằng sau cống hiến lặng thầm của những thầy cô cắm bản là cả sự cố gắng, nỗ lực rất lớn để đưa con chữ đến cho học trò nơi đây.

Chặng đường gian nan của thầy cô cắm bản

Có không ít nhà giáo hiện nay chấp nhận rời xa thành phố, rời xa những điều kiện đầy đủ để đến vùng sâu, vùng xa truyền đạt kiến thức cho học trò. Không hiếm những cảnh tượng giáo viên phải ăn cơm với ếch, nhái, ễnh ương hoặc những món ăn tạm bợ để qua bữa hàng ngày bên các lớp học dựng tạm bợ, vắt vẻo trên đỉnh núi.

Thậm chí có nhiều thầy cô giáo phải lội bộ hơn 40km đường rừng gập ghềnh nguy hiểm chỉ để mang con chữ đến cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Ở đó, điện đường, trường trạm còn chưa hoàn thiện, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn ngay trong việc mưu sinh kiếm bữa ăn qua ngày. Thậm chí một số gia đình còn gay gắt trong vấn đề cho con học con chữ để nâng cao trình độ. Do vậy nên, những giáo viên tâm huyết khi lên đây vừa kiêm nhiệm vụ dạy học lại vừa phải phổ cập tư tưởng cho phụ huynh để họ thấy được tầm quan trọng của việc học. Từ đó động viên, khuyến khích con em mình chăm chỉ học hành thay vì phải theo cha, theo mẹ lên nương mỗi ngày.

Ngoài ra, theo một số thầy cô giáo sau thời gian công tác trên các bản cao cho biết: để vận động được học  trò đi học, bản thân giáo viên còn phải tích cực tham gia tăng gia sản xuất cùng với người dân ở đó để nâng cao năng suất lao động. Hơn nữa, đối với những vùng có phần lớn là người dân tộc, đa phần đều không biết tiếng kinh, họ còn phải học thêm tiếng địa phương để có thể giao tiếp, làm quen với học trò và phụ huynh.

Chặng đường dạy học của các giáo viên ở vùng sâu vùng xa gặp vô vàn khó khăn, vất vả. Những cống hiến lặng thầm của họ đang từng ngày giúp nền giáo dục nước nhà từng bước chuyển mình theo hướng tốt đẹp hơn.

Lễ vinh danh các thầy cô giáo cắm bản

Nhà giáo là biểu tượng của tri thức và đức hạnh. Họ là những chiến binh thầm lặng đã cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là các thầy cô giáo công tác tại các điểm trường còn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Do vậy, để tri ân công lao đó, hàng năm Bộ GD- ĐT thường xuyên tổ chức lễ vinh danh các thầy cô giáo cắm bản đang công tác tại các xã, huyện nghèo thuộc 64 tỉnh thành trên cả nước.

Những phần quà, bằng khen, phần thưởng và lời động viên đã được gửi tới các tấm gương thầy cô tiêu biểu. Đồng thời, Bộ GD- ĐT cũng không quên đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi toàn dân tích cực ủng hộ, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ các thầy cô và học sinh tại những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng nông thôn, hải đảo, miền núi. Cũng như gửi lời khen ngợi đến các thầy cô đã có cống hiến to lớn trong sự nghiệp lái đò đưa con chữ qua sông.

Ngoài ra, Bộ cũng kêu gọi thanh niên, thế hệ trẻ tích cực hăng hái, nêu cao quyết tâm, tinh thần xung kích để sẵn sàng mang tri thức đến cho con em, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Đó cũng chính là niềm động viên và là nguồn động lực mạnh mẽ để các thầy cô giáo tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác dạy học ở các vùng miền khó khăn trên cả nước.